Bí quyết giúp trẻ phân biệt màu sắc, khả năng cảm thụ nghệ thuật
Để ba trái bóng đỏ, xanh dương, vàng vào trong hộp rồi nói: “Lấy cho mẹ trái bóng đỏ!”. Sau khi trẻ đã lấy ra được trái bóng màu đỏ, bạn hãy tiếp tục: “Trái bóng xanh dương!”, rồi cuối cùng là: “Trái bóng vàng!”.
Sau khi trẻ đã thuộc hết ba màu cơ bản trên, bạn hãy cho trẻ chơi trò bỏ bóng màu nào vào cốc màu đó, bằng cách đặt những cái cốc có màu tương ứng cạnh những trái bóng. Bạn cũng có thể cho trẻ lựa chọn một màu nhất định, ví dụ: “Hãy lấy trái bóng màu đỏ”. Cứ như vậy, bạn cho trẻ làm quen với các màu cơ bản, rồi tiến tới bảng màu sáp 12 màu và nếu có thể thì hãy cho trẻ thử sức với bảng 24 màu. Bạn có thể dùng bất cứ món đỗ chơi nào để thực hiện bài tập này, nhưng có một thực tế là các loại đồ chơi thông dụng trên thị trường hiện nay rất hiếm có đủ bảng màu, nên có thể bạn sẽ phải mua bộ giáo cụ chuyên dụng.
Thêm một gợi ý nữa là sử dụng ngay các đề vật trong nhà, như là: Bìa sách, giấy dán tường, các món đồ trang trí... Bạn trổ vào đồ vật và hỏi bé: “Cái này màu gì?”. Lặp đi lặp lại quá trình này sẽ giúp tăng sự quan tâm của trẻ đối với màu sắc và sự hứng thú đó sẽ là những hạt mầm đầu tiên hình thành khả năng cảm thụ nghệ thuật của trẻ.
Cho trẻ tự tay tạo ra màu sắc cũng là một cách khá thú vị. Ví dụ: Bạn trỏ vào một món đồ trong nhà có màu đỏ rượu chát, và đưa ra câu hỏi: “Màu này được tạo thành từ màu gì pha với màu gì nhỉ? Màu đỏ đậm thế này chắc là màu đỏ trộn với một ít màu xanh dương chăng?” và khuyến khích bé thử nghiệm pha màu bằng hộp màu nước. Cách này vừa tạo nên bối cảnh vui chơi rất thú vị giữa cha mẹ và con, đồng thời giúp bé rèn luyện khả năng cảm thụ nghệ thuật.
Vẽ cũng là một hoạt động tự biểu hiện giống như nói và viết. Khi trẻ biết thêm nhiễu màu sắc thì sự hứng thú với việc sử dụng những màu sắc đó để vẽ cũng tăng lên một cách tự nhiên. Vì vậy trò chơi này còn giúp trẻ nuôi dưỡng năng lực biểu hiện phong phú.