Cách rèn luyện trí nhớ cho trẻ bằng trò chơi rất hiệu quả
1. Ghi nhớ lặp lại
Thông qua việc đọc đi đọc lại để củng cố lại trí nhớ, cách làm này thích hợp với những trẻ nhỏ tuổi. Bố mẹ không cần phải lo lắng trẻ sẽ nảy sinh tâm trạng chán ghét những vật này, bởi vì trẻ vốn rất thích lặp lại, cùng một câu chuyện, chúng có thể nghe hàng trăm lần không chán. Đương nhiên, khi bạn lặp lại có thể có một vài thay đổi, ví dụ: Vừa kể chuyện vừa dùng tay minh họa, hoặc khi kể chuyện thì đặt câu hỏi cho trẻ, còn có thể yêu cầu trẻ kể tiếp lời của bố mẹ để khơi dậy hứng thú trong trẻ, giúp việc ghi nhớ hiệu quả hơn.
2. Ghi nhớ lý giải
Khả năng ghi nhớ máy móc của trẻ rất tốt, nhưng ghi nhớ máy móc sẽ mất rất nhiều sức lực. Khi trẻ lớn hơn một chút, việc chỉ học vẹt cơ bản không thể đáp ứng yêu cầu đề ra, hơn nữa, có nhiều tài liệu không thể học vẹt được, lúc này buộc phải chú ý rèn luyện cho trẻ khả năng ghi nhớ lý giải. Hiệu quả của ghi nhớ lý giải cao hơn hiệu quả ghi nhớ máy móc rất nhiều. Nhà tâm lý học Hermann Ebbinghaus đã làm một thí nghiệm: Nhớ 36 âm tiết trong vô thức, cần phải lặp lại 54 lần; còn ghi nhớ 480 âm tiết trong 6 bài thơ, bình quân chỉ cần lặp lại 8 lần. Bởi vậy, trước tiên là lý giải, tìm hiểu rồi mới ghi nhớ rất có tác dụng đối với những định luật, định lý toán học, nguyên tắc, quy luật và các tác phẩm văn học, ghi nhớ toàn diện và nhớ kỹ, đây cũng là kinh nghiệm của bố Karl Witte.
3. Ghi nhớ liên tưởng
Phương pháp liên tưởng có thể khiến việc ghi nhớ trở nên đơn giản, nhẹ nhàng hơn. Những đứa trẻ có trí tuệ cao hơn bình thường đều có khả năng liên tưởng rất phong phú, rất nhiều phát minh, sáng tạo trong khoa học đều là do liên tưởng mà ra: Newton vì quả táo rơi xuống đất mà phát hiện ra định luật vạn vật hấp dẫn, Watt vì nhìn thấy nút phích bị bắn ra ngoài mà phát minh ra máy hơi nước. Dùng phương pháp liên tưởng để dạy trẻ nhận thức những đồ vật gần gũi xung quanh mình có thể giúp trẻ ghi nhớ dễ dàng hơn.
4. Ghi nhớ hình tượng
Căn cứ vào đặc điểm ghi nhớ mang tính hình tượng trực quan của trẻ, hãy lợi dụng các dụng cụ trực quan, hình tượng kích thích thị giác để giúp trẻ nâng cao khả năng ghi nhớ. Trẻ mô phỏng ngôn ngữ của các quảng cáo trên tivi hay các nhân vật hoạt hình chính là ghi nhớ hình tượng trực quan. Phương pháp này có thể kết hợp với đồ chơi, trò chơi.
5. Ghi nhớ phân loại
Nếu coi đại não là một cái kho chứa đựng thông tin thì việc phân loại các tri thức trong đó có thể giúp cái kho này chứa đựng được nhiều thông tin hơn. Khi dạy trẻ nhớ từ mới tiếng Anh, có thể phân loại những từ chỉ dụng cụ học tập, những từ chỉ quần áo... Như thế trẻ sẽ dễ nhớ hơn, hiệu quả ghi nhớ cũng tốt hơn.
6. Ghi nhớ bằng lời bài hát
Những bài thơ có tiết tấu rất dễ ghi nhớ. Ví dụ trong một năm có rất nhiều ngày lễ khác nhau, nếu phải nhớ từng dịp thì rất khó, nhưng nếu làm những bài thơ nhỏ về những ngày lễ này thì rất dễ nhớ. Yêu cầu trẻ học thuộc một vài bài hát thiếu nhi với ca từ đơn giản có thể tăng thêm vốn kiến thức cho trẻ, có lợi cho việc phát triển trí tuệ của trẻ. Cùng phương thức ca hát để truyền đạt cho trẻ một tri thứ nào đó, biến một nội dung khó nhớ thành một bài vè sẽ có thể giảm bớt được độ khó, hiệu quả ghi nhớ cũng tốt hơn.
7. Ghi nhớ bằng cảm quan
Để các cơ quan khác như mắt, tai, miệng, tay... cùng tham gia vào hoạt động ghi nhớ cũng có thể nâng cao hoạt động ghi nhớ. Cho ba nhóm người làm thí nghiệm ghi nhớ 10 bức tranh, nhóm thứ nhất được nói trước là họ vẽ cái gì; nhóm thứ hai được xem tranh; nhóm thứ ba vừa được xem tranh vừa được nói trước về nội dung bức tranh. Sau một khoảng thời gian, kiểm tra hiệu quả ghi nhớ của họ, kết quả của nhóm thứ ba là tốt nhất, sau đó là nhóm thứ hai và nhóm thứ nhất. Khi ghi nhớ chỉ dùng mắt để nhìn, kí ức ba tiếng sau còn lại 72%, ba ngày sau còn 20%; chỉ dùng tai nghe, kí ức ba tiếng sau còn lại 70%, ba ngày sau còn lại 10%; nếu dùng cả mắt và tai, kí ức ba tiếng sau còn 85%, ba ngày sau còn 65%. Từ đó có thể thấy, nếu cho cả tim, mắt, tai, miệng, tay của trẻ tham gia vào quá trình ghi nhớ thì có thể nâng cao hiệu quả ghi nhớ một cách rõ rệt.
8. Ghi nhớ từng bước
Khi đối diện với một khối lượng thông tin cần ghi nhớ khổng lồ, trẻ có thể sẽ cảm thấy bất lực, cũng có thể vì muốn nhớ nhanh, nhớ nhiều mà hiệu quả ghi nhớ trở nên kém hơn. Muốn giải quyết vấn đề này, bố mẹ có thể giúp trẻ chia mục tiêu ghi nhớ lâu dài thành các mục tiêu ngắn hạn khác nhau, lần lượt ghi nhớ từng thứ một, mỗi lần đạt được một mục tiêu nhỏ, lòng tự tin của trẻ sẽ tăng lên, khả năng ghi nhớ cũng được nâng cao, mục tiêu lâu dài sẽ dễ dàng hoàn thành được.
9. Ghi nhớ trọng điểm
Trẻ sẽ được tiếp xúc với một lượng lớn thông tin, nhưng những thông tin này không cần phải ghi nhớ hết. Khi ghi nhớ những thông tin này, trẻ thường không phân biệt cái nào quan trọng hơn cái nào mà ghi nhớ tất cả, lãng phí nhiều thời gian và công sức. Bố mẹ nên dạy trẻ biết cách rút ra những thông tin trọng điểm cần ghi nhớ. Như thế có thể nâng cao được hiệu suất ghi nhớ. Nếu không thì vừa lãng phí thời gian và sức lực mà hiệu quả ghi nhớ cũng không tốt.
10. Ghi nhớ so sánh
Tiến hành so sánh những thông tin cần nhớ với những thông tin đã ghi nhớ, nâng cao hiệu quả ghi nhớ. Ví dụ: Sau khi trẻ đã học được chữ “ba”, bố mẹ dạy trẻ chữ “bà”. Chữ “bà” chỉ hơn chữ “ba” một dấu huyền, như thế trẻ sẽ dễ nhớ hơn. Cũng có thể so sánh những nội dung mới ghi nhớ được với nhau. Ví dụ, yêu cầu trẻ ghi nhớ hình dáng của các loài động vật trong vườn bách thú, sau đó so sánh sự khác nhau giữa hổ và báo, ngựa và hà mã, sau khi so sánh như thế, hiệu quả ghi nhớ của trẻ sẽ được nâng cao rõ rệt. Lâu dần, trẻ sẽ học được phương pháp này, rất có lợi cho việc học tập của chúng sau này.
11. Ghi nhớ liên hoàn
Đại não có thể ghi nhớ theo từng nhóm, ghi nhớ theo nhóm sẽ có hiệu suất tốt hơn ghi nhớ vụn vặt. Khi muốn ghi nhớ một lượng lớn thông tin độc lập, có thể sáng tạo một mối quan hệ, khiến rất nhiều thông tin độc lập trở thành một nhóm, từ đó nâng cao hiệu quả ghi nhớ.
Ví dụ: Khi trẻ cần ghi nhớ nhiều tên của các loài vật như voi, chuột, mèo, chó, gà, lợn, cá..., bạn có thể hướng dẫn trẻ vận dụng phương thức ghi nhớ liên hoàn, liên tưởng tên các loài động vật này với các câu chuyện, như vậy sẽ dễ nhớ hơn.