Những sai lầm cha mẹ thường phạm phải khi dạy dỗ con cái
Thứ nhất, luôn dặn dò trẻ liên tục
Chúng ta thường thấy một hiện tượng phổ biến trong gia đình là: cha mẹ dặn dò, nhắc nhở, thúc giục trẻ liên tục, cứ mở miệng ra là nhắc nhở con. Đây là sai lầm cha mẹ rất hay mắc phải.
Thế giới này không thể có người hoàn hảo, không có đứa con nào thập toàn thập mỹ, và cũng không có cha mẹ nào đúng tuyệt đối. Nếu cha mẹ yêu cầu mọi việc hoàn hảo, nói đi nói lại không thôi sẽ khiến trẻ chán ghét, không tiếp thu những gì cha mẹ nói nữa.
Các nghiên cứu tâm lý học đã chứng minh: Nói đi nói lại một nội dung cũ rích sẽ khiến người nghe sinh ra loại thính giác mơ hồ, có nghĩa là rõ ràng đang nghe nhưng chẳng hề tiếp nhận được gì. Đó là sự lơ đãng về tâm lý, được sinh ra do nghe nhiều một loại âm thanh trong thời gian dài. Vì thế, cha mẹ đừng chỉ trách con không nghe lời, hãy nghĩ lại xem mình có cằn nhằn nhiều quá không?
Tuy cha mẹ có trách nhiệm phê bình giáo dục những lời nói, hành vi, suy nghĩ không hay của trẻ, nhưng nhất định phải chú ý cách thức, đừng chỉ biết cằn nhằn. Thực tế là cằn nhằn không tốt chút nào, ngược lại còn gây ra nhiều ảnh hưởng xấu.
Thứ hai, lớp học làm cha mẹ
Nhắc đi nhắc lại một chuyện sẽ khiến trẻ thấy chán, đồng thời sẽ sinh ra tính lười biếng, ỷ lại vào những lời cằn nhằn đó. Dần dần, cha mẹ
không cằn nhằn là trẻ không làm tốt được. Những lời cằn nhằn mang tính chất trách mắng sẽ khiến mất dần sự tự tin, thậm chí có thể nảy sinh tâm lý chống đối. Những lời cằn nhằn không mục đích rõ ràng, khiến trẻ mất tập trung, coi những sự việc quan trọng cần nhớ như gió thổi bên tai. Vậy, cha mẹ phải làm sao để không cằn nhằn nữa?
Thứ ba, cha mẹ không nên bạ đâu nói đấy
Muốn khắc phục tính hay cằn nhằn, trước tiên khi nói với con, cha mẹ nên suy nghĩ cho kỹ, đừng tùy tiện. Ví dụ, cha mẹ quy định con phải làm bài xong mới ăn cơm, quy định đã nói ra rồi, nhưng có cha mẹ lại lo lắng con đói, thế là nói những câu đầy mâu thuẫn như: “Con có đói không?”. “Làm nhanh lên, cơm nguội hết rồi. Con có muốn ăn cơm không hả?”.
Thứ tư, cho trẻ quyền tự do chọn lựa
Cha mẹ đừng hạn chế tự do của trẻ, đừng lúc nào cũng quyết định thay chúng. Cha mẹ nên cho trẻ không gian tự do lựa chọn, đừng chỉ ra lệnh cho chúng rồi nhắc nhở luôn mồm, làm như vậy sẽ không thể có hiệu quả. Ví dụ, muốn con dọn phòng, nếu cha mẹ ra lệnh: “Trước bữa tối nay, con phải thu dọn “cái ổ lợn” của con cho sạch sẽ!”, rất có thể trẻ sẽ không nghe. Khi thấy con không nghe lời, cha mẹ lại nhắc đi nhắc lại, kết quả là trẻ lại càng không nghe lời hơn. Nhưng nếu cha mẹ đổi cách nói khác: “Nếu trước giờ ăn cơm, con có thời gian rảnh thì dọn phòng nhé!”, cách nói thể hiện sự tôn trọng như vậy, sẽ khiến trẻ không thấy phản cảm, và chắc chắn sẽ có tác dụng. Khi trẻ tự giác, tự nguyện làm gì đó, thì tính tích cực và sự hứng thú sẽ rất lớn, cha mẹ không cần phải nhắc nhở, thúc giục nữa.
Thứ năm, đừng việc gì cũng dặn dò, phải có mục tiêu xác định
Có thể nói, tuy cha mẹ nói với con rất nhiều điều, nhưng phần lớn không đi vào trọng tâm, chuyện bé xé ra to, rồi nhắc đi nhắc lại nhiều lần, khiến cả nhà không ngày nào được yên tĩnh. Người lớn tức giận vì con không nghe lời, con thì do xung quanh ồn ào hỗn loạn mà không tập trung được. Vì thế, khi muốn hướng dẫn trẻ học tập hay sinh hoạt trong cuộc sống, cha mẹ nên cố gắng nói những lời đơn giản dễ hiểu, rõ ràng; đồng thời đưa ra lời chỉ dẫn cụ thể, để trẻ hiểu được ý của cha mẹ. Ngoài ra, cho phép trẻ phát biểu ý kiến và suy nghĩ của bản thân, sau đó mới thực hiện.
Thứ sáu, để trẻ tự chịu hậu quả
Cha mẹ nên để trẻ tự mình giải quyết những việc trẻ hiểu rõ, có đủ khả năng làm và tự chịu hậu quả. Nếu không dậy đúng giờ thì sẽ đi học muộn, điều này học sinh nào cũng hiểu rõ. Chúng không thực hiện được, đương nhiên sẽ bị phê bình và chịu phạt, cha mẹ không cần thiết ngày nào cũng phải nhắc nhở. Nếu chúng thường xuyên đi muộn, bị phê bình, chúng sẽ tìm ra được cách giải quyết vấn đề.
Thứ bảy, giảm kì vọng vào trẻ
Theo tâm lý học, trẻ là cá thể chưa trưởng thành về tâm lý và hành vi, cho nên, cha mẹ cần phải hướng dẫn và bồi dưỡng tâm lý chúng một cách đúng đắn. Nhưng, chúng ta thường thấy một vấn đề phổ biến là, cha mẹ kỳ vọng quá cao vào trẻ, thường xuyên không ngừng nhắc nhở, dặn dò trẻ, mục đích là để đạt được mục đích đã quy định cho trẻ . Cách này có hiệu quả rất ít, thậm chí còn phản tác dụng, khiến trẻ thấy chán ghét, làm tổn thương đến sự tự tin và lòng tự trọng của chúng.
Thứ tám, đừng chỉ để ý đến khuyết điểm
Có những cha mẹ chỉ nhìn thấy khuyết điểm của con, nói đi nói lại cũng chỉ nhắc đến khuyến điểm chứ không đề cập đến sự tiến bộ. Thật ra, phần lớn trẻ em đều biết phân biệt đúng - sai, thiện - ác, chỉ do chúng thiếu tự giác và nghị lực để sửa lỗi. Nếu cha mẹ nói đi nói lại về khuyết điểm của trẻ, lúc nào cũng chỉ trích: “Mẹ nói mãi mà con chẳng chịu nghe”, “Nói thế nào thì con mới chịu sửa hả”, thì chỉ khiến con nảy sinh sự chống đối mà thôi.
Thứ chín, phải hướng dẫn, không cằn nhằn
Sự khác nhau giữa cằn nhằn và hướng dẫn là: Cằn nhằn luôn mang hơi hướng trách mắng phê bình, là sự thúc giục lặp lại mà đơn điệu. Còn những lời hướng dẫn mang tính nhẹ nhàng, đơn giản mà sâu sắc, nó có thể dẫn dắt trẻ suy nghĩ độc lập, giúp chúng xử lý vấn đề, ổn định cảm xúc, tâm trạng thoải mái. Cha mẹ thông minh sẽ không quy định trẻ nên hay không nên làm gì, mà để trẻ tự làm. Nếu chúng làm không tốt thì cha mẹ nhẫn nại giúp chúng phân tích nguyên nhân, khích lệ chúng không nản lòng, chỉ cần cố gắng hết sức là được.