Bí kíp nói chuyện với sếp để phát triển tiền đồ, thăng tiến sự nghiệp
Một số người nói thao thao bất tuyệt trước mặt bạn bè, đồng nghiệp nhưng ấp a ấp úng khi đứng trước mặt cấp trên, có rất nhiều lời hay ý đẹp muốn nói nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Nhưng thường thì, về khách quan khoảng cách địa vị giữa cấp trên và cấp dưới đã tạo thành khoảng cách trong tình cảm. Mọi người hay lo lắng cho “số phận”, “tiền đồ” của mình nằm trong tay sếp nên nếu nói những lời sai sót thì sẽ ảnh hưởng đến tương lai sau này. Một số người thì cho rằng, nói chuyện với sếp cần phải khác với mọi người nên đã tự gây áp lực tâm lý cho chính mình. Là sếp nên hiểu được những điều này và nên có thái độ bình thường, gần gũi với mọi người, chủ động tiếp xúc với cấp dưới, tìm cách xóa bỏ khoảng cách giữa trên và dưới, khuyến khích mọi người đóng góp ý kiến cho mình, trong cuộc sống thì cần phải đồng cam cộng khổ với mọi người. Những người lãnh đạo như vậy thì cấp dưới nào cũng muốn nói chuyện và còn xóa được khoảng cách giữa cấp trên và cấp dưới. Vậy thì, trong các tình huống nên nói chuyện với cấp trên như thế nào?
Thái độ đúng mực, không kiêu ngạo cũng không tự ti
Thể hiện sự tôn trọng đối với cấp trên, cần phải thừa nhận cấp trên luôn có những điểm mạnh hơn mình, giỏi giang hơn mọi người, có nhiều kinh nghiệm, tuy nhiên cần phải nói cho lịch sự và khiêm tốn. Nhưng không nên tỏ thái độ “hạ thấp” bản thân mình. Phần lớn những người lãnh đạo giỏi đều coi thường những người cấp dưới hay nịnh bợ, phụ họa. Bạn giữ được nhân cách của mình và nói năng với thái độ đúng mực sẽ được cấp trên yêu quý, tôn trọng. Trong trường hợp cần thiết không nên sợ hãi bày tỏ những quan điểm khác nhau của mình, chỉ cần lý do xuất phát từ công việc, nói sự thực, có tình có lý thì sếp nào cũng hài lòng.
Tìm hiểu cá tính của cấp trên
Cấp trên là người lãnh đạo nhưng trước hết họ cũng là con người, là một con người thì họ cũng có tính cách, sở thích, thói quen ăn nói của mình, như có một số người có tính cách thoải mái, dứt khoát, có một số người thích im lặng, việc gì cũng suy nghĩ kỹ càng...
Bạn cần phải thích ứng với những tính cách của họ. Không nên cho rằng đó là hành động “đón ý cho vừa lòng” đối phương, thực ra đó chính là một nghệ thuật ứng dụng vào cuộc sống của tâm lý học.
Hãy viết giấy gửi cho cấp trên
Là cấp trên thì từ sáng đến tối có rất nhiều vấn đề phải suy nghĩ. Do đó, bạn cần phải xem xét vấn đề của mình có quan trọng hay không, nếu là chuyện vụn vặt cá nhân của bạn thì không nên quấy rầy trong lúc họ đang vùi đầu vào công việc. Nếu bạn không biết lúc nào cấp trên rỗi thì hãy viết giấy gửi họ, về những vấn đề mình cần giải quyết và đề nghị họ nói chuyện với mình, bạn có thể đề nghị thời gian, địa điểm nói chuyện, như vậy đối phương mới biết và chủ động sắp xếp thời gian.
Hãy chuẩn bị một vài phương án
Khi nói chuyện cần hiểu rõ về chủ đề của mình, báo cáo với cấp trên rõ ràng, chuẩn xác, nếu cần xin ý kiến thì hãy nêu ra một vài phương án, nói rõ lợi ích, thiệt hại của từng phương án, để cấp trên quyết định. cấp trên đồng ý cách nào thì bạn hãy viết ra giấy trắng mực đen rõ ràng để trình lên phê duyệt tránh sự tranh cãi sau này.
Báo cáo đúng sự thật
Phản ánh lại tình hình cần phải trung thực, báo cáo đúng sự thực. Điều này rất quan trọng, không chỉ để lãnh đạo có những quyết định đúng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của lãnh đạo. Chưa nắm được điều gì thì không nên nói, chưa làm được việc gì thì đừng nói nó trọn vẹn, như vậy sẽ giành được thiện cảm của cấp trên.