Những tội ác trong đời nếu bạn không biết tránh sẽ bị quả báo
1. Sát sinh
Sát sinh trở thành một tội cực nặng khi đối tượng của nó là con người. Bởi vì giết hại con người sẽ tạo ra một thế giới bất bình ổn, với các khủng hoảng, các nỗi sợ hãi, làm cho tất cả những giá trị hòa bình, đoàn kết, hòa hợp mất đi là một tội cực kỳ lớn. Ngoài ra, không những không được giết người mà còn phải hạn chế tối đa việc trực tiếp hay gián tiếp sát sanh các loài động vật.
2. Trộm cắp
Trộm cắp được hiểu là hành vi tước đoạt quyền sở hữu của người khác trái với luật, trái với lương tâm. Luật pháp ở quốc gia trên thế giới cũng xem trộm cắp là hành vi tội lỗi. Người trộm cắp, dù ở bất cứ hình thức nào, cũng bị xã hội lên án. Là người tu học Phật, thực tập đời sống đạo đức theo lời dạy của đức Phật, ta phải từ bỏ tuyệt đối thói trộm cắp, vì nó đưa tới đời sống ô nhiễm, tội lỗi, bất hạnh và khổ đau.
3. Thói quen dâm ô
Dâm ô là lối sống sa đọa, hưởng thụ mang tính bản năng. Đó là lối sống thiếu chuẩn mực, vi phạm đạo đức cần phải lên án. Người có thói dâm ô thường không tự chủ được bản thân. Họ có thể cưỡng bức, xâm hại tình dục đối với trẻ em, trẻ vị thành niên. Do đó, sự có mặt của họ là nỗi kinh hoàng cho nhiều người.
4. Nịnh hót
A dua, a tòng, tán dương những việc làm sai, khích lệ những kẻ bất thiện, đồng lõa với các loại tội phạm đều gọi chung là các loại hình nịnh hót. Đó là một lối sống thiếu chính trực, có thể khiến người khác chìm đắm vào vũng bùn tội lỗi.
5. Dối trá, lừa đảo
Đó là biểu hiện của một lối sống không thật. Những người như thế thường lợi dụng niềm tin của người khác để mưu lợi cá nhân. Hành vi đó cho thấy họ rất ích kỷ, không tôn trọng luật pháp, xem thường chuẩn mực, đạo đức. Dối trá, lừa đảo, theo đức Phật, là một trong những tội ác rất nặng. Ở một mức độ nào đó, dối trá, lừa đảo là tội không thể sám hối được.
6. Điêu ngoa giả tạo
Tức là lối sống điêu ngoa, lấy lòng bằng lời nói, tạo ra ngữ cảnh “ngọt mật chết ruồi” để người khác lầm tưởng đó là sự thật. Đây là một trong các hành vi tội lỗi, vì nó hướng tới mục đích xấu xa, đưa tới tình huống bất lợi cho người nghe.
7. Luôn gièm pha
Gièm pha có nghĩa là chê bai, không tùy hỷ công đức, không tán dương người lành và người thiện. Thay vì hoan hỷ, ủng hộ thành tựu tích cực, người có thái độ gièm phathường tỏ ra bất bình, bất mãn, ganh ghét, đố kỵ với thành tựu của người khác. Từ đó, có thể dẫn đến thù hận, thậm chí đưa tới những hành động thanh toán, loại trừ nhau. Vì vậy, cũng như các hành vi nịnh hót, chuốt ngót, gièm pha là một tội lỗi mà chúng ta cần phải tránh.
8. Khinh bỉ bậc đạo hiền
Người hiền đức là người có hành động mang lại hạnh phúc và bình an cho mọi người. Tuy nhiên, có nhiều người không tán đồng với hành động đó, vì họ nghĩ rằng, khi người hiền đức phát huy thì tầm ảnh hưởng của họ sẽ mất đi hoặc thu hẹp lại. Vì thế, họ ra sức tấn công, phê bình, trù dập, chỉ trích, gây khó dễ đối với các bậc hiền đức. Đó là hành động tội lỗi, trái với chuẩn mực, đạo đức của xã hội và đời sống tâm linh.
9. Đắm chìm vào sân si
Tức là dấn thân vào con đường tội lỗi, ai khuyên can cũng không nghe, không dừng lại. Đời sống của những người như thế luôn luôn bất an, khổ đau. Tuy vậy, do chìm sâu vào con đường tội lỗi, họ gần như hoàn toàn mất khả năng thức tỉnh. Họ chỉ biết hưởng thụ, chìm đắm trong tham sân si và các hành vi bất thiện như một cơn nghiện, càng ngày cáng nặng thêm.
10. Sống buông thả
Không biết giữ mình, không tìm lại chính mình, không lắng nghe chính mình, sống buông thả thiếu kiểm soát nên không đủ khả năng làm chủ các giác quan. Nói cách khác là sống thiếu chánh niệm tỉnh giác. Vì thiếu chánh niệm tỉnh giác, kẻ buông lung bị trôi lăn, chìm đắm trong đời sống khổ đau.
11. Say sưa, nghiện ngập
Say sưa, nghiện ngập rượu, bia, các loại ma túy tổng hợp, đập đá... đều là hành vi xấu xa, tội lỗi. Các chất đó khiến cho thân tâm của người nghiện mê mờ, suy nhược, không làm chủ được bản thân, đánh mất tương lai. Mặt khác say sưa, nghiện ngập còn có thể đưa tới các hành vi tiêu cực khác như trộm cắp, giết người... Vì vậy, cần tránh xa thói say sưa, nghiện ngập đó.
12. Ganh ghét
Là thái độ không ưa, không hợp tác, không đồng hành với tất cả hành vi, thái độ có ý nghĩa và giá trị cao đẹp của người khác. Ganh ghét thường đưa tới giận hờn, thù hận, gây chia rẻ, mất đoàn kết. Chính vì vậy, nó bị xem là tội ác.
13. Phỉ báng đạo đức
Tức là tấn công các phương diện tích cực của cuộc đời, nói xấu, phê bình, chỉ trích việc đạo đức, dựng chuyện hãm hại, gây tình huống bất lợi, sợ hãi cho những người có đời sống đạo đức tốt đẹp, phẩm hạnh thanh cao. Có thể nói, phỉ báng đạo đức là hành vi tội lỗi nặng nhất trong các hành vi tội lỗi vì nó gây thiệt hại rất lớn cho đời sống xã hội.