8 điều nên mang theo mỗi ngày chúng ta không nên quên
1. Làm nhiều việc phúc đức
Mỗi ngày, bạn phải nỗ lực làm những việc tốt hơn để chuộc lại những lỗi lầm, làm cho người khổ đau vì bạn không còn khổ đau nữa. Đó là một quyết tâm lớn đưa tới lợic ích cho bản thân và mọi người. Tương tự, ta có thể lập thời gian biểu của ngày mai, tháng sau, năm sau, 5 năm sau, 10 năm, 20 năm, 30 năm cho đến một kiếp người. Hoạch định rõ ràng thời gian biểu như thế đảm bảo ta sẽ nắm bắt được thành công và làm được những việc có ích cho cuộc đời.
2. Tôn kính cha mẹ
Kinh điển đạo Phật ví cha mẹ như hai vị Phật sống ở trong nhà. Đó không phải là một sự cường điệu hóa vô ích mà ngược lại rất hữu ích, giúp cho ta điều chỉnh hành vi, thái độ ứng xử với hai đấng sanh thành một cách chuẩn mực, bằng cách cúc cung, tận tụy, tôn trọng, lắng nghe, học hỏi, chăm sóc, hiếu kính, đền đáp công ơn cha mẹ.
3. Trù bì trước công việc
Đây là tinh thần và thái độ có trách nhiệm, cẩn trọng trong công việc. Nho giáo có câu: “Kẻ nào không biết lo xa, người đó sẽ phải đối diện với thất bại gần”. Người lo xa là người biết hoạch định, biết tính toán, biết đầu tư, biết phòng hờ trong công việc.
Trong tính toán đầu tư, ngoài khả năng tốt nhất ai cũng mong muốn, ta cần phải đặt ra tình huống xấu nhất mà mình sẽ có thể đối diện để tìm ra các kế hoạch A, B, C, D... để giải quyết các vấn đề. Nhờ đó, khi tình huống xấu xảy ra, ta tránh được tình trạng ngỡ ngàng, mệt mỏi, tuyệt vọng.
Trù liệu, phòng bị, dự phòng ở đây là những nỗ lực tạo nên duyên tốt trên nền tảng của chánh niệm và nhân quả. Nó hoàn toàn không phải là sự lo sợ, hãi hùng, cũng không phải là tâm thức vọng tưởng.
4. Nghĩ trước nói sau
Tức là có thói quen cẩn trọng trong lời nói của mình. Lời nói có thể gây nguy hiểm cho một đất nước, nhưng lời nói cũng có thể dẫn đến sự hòa bình cho thế giới. Lời nói có thể làm cho người ta phấn chấn vươn lên, nhưng lời nói có thể làm cho người ta đang hạnh phúc trở nên trầm cảm, tâm thần.
Tất cả các kết quả trên đều liên hệ tới nội dung và thái độ của người phát ngôn. Do đó, không nên nói nhiều, thích đâu nói đó, nói không suy nghĩ kỹ, nói càn, nói để giết thời gian, nói cho hả giận...
5. Giúp đỡ người nghèo khó
Tức là biết chia sẻ những gì mình có cho người nghèo khổ. Ở đời, phần lớn ai cũng đầu tắt mặt tối để tìm kế sinh nhai. Có người thiếu trước hụt sau, có người giàu có, của ăn của để. Tất cả đều do nghiệp duyên và sự nỗ lực khác nhau của mỗi người. Tuy nhiên, có một điểm chung là khi chết đi, ai cũng phải bỏ lại tất cả tài sản sở hữu của mình và mang theo gánh nghiệp theo mình. Nghiệp thiện hay ác, tùy vào lúc sinh tiền mình tạo tác.
Nhận thức được như vậy, ta nên ra sức làm việc thiện, giúp đỡ kẻ nghèo khó để họ có cơ hội sống hạnh phúc, bình an, gia đình, cộng đồng, xã hội nhờ đó cũng vượt qua được các khó khăn, bế tắc. Như vậy, giúp người, nhưng thực chất cũng chính là giúp ta sống vị tha hơn ở hiện tại và đồng thời cũng là bước chuẩn bị hành trang cho những kiếp sống mới tốt đẹp hơn ở tương lai.
6. Biết ăn uống chừng mực
Khi còn nghèo, con người phấn đấu để có ba bữa cơm mỗi ngày, mấy bộ quần áo, một mái nhà che mưa nắng cùng với một số vật dụng cơ bản cần thiết. Nhưng khi giàu có, nhu cầu sống của con người tăng cao. Ăn không chỉ để khỏi đói mà còn phải ngon; mặc không chỉ để che thân mà còn phải đẹp; nhà không chỉ để che nắng mưa mà còn phải sang trọng, đủ tiện nghi.
Dẫu biết ăn uống là điều quan trọng duy trì sự sống, tuy nhiên chúng ta không cần phải quá nhiều, chỉ vừa đủ no là được. Ăn quá nhiều dễ sinh bệnh tật. Hãy biết ăn chừng mực để cơ thể luôn là cỗ máy trơn tru vận hành đều đặn theo đúng nguyên lí của nó.
7. Sống công tâm
Công tâm trong việc ứng xử, không thiên vị, không nghe một chiều, không gây hàm oan cho ai, tạo công bằng cho mọi người thì mọi người kính trọng, nể phục; quy kết, chụp mũ khiến người khác bị hàm oan thì người ta sẽ không nể phục, thậm chí bất bình, bất mãn. Điều gì có bằng chứng mới được xem là có tội, nếu chưa có bằng chứng thì mới chỉ là giả thuyết, vì thế không thể kết tội người ta một cách vội vàng.
8. Chia sẻ phúc đức của mình cho người khác
Chia phước báu của mình, biết đem tấm lòng, tình thương, tâm vị tha, thái độ vô ngã để chia sẻ và truyền trao cho mọi người trong xã hội, giúp họ cũng sở hữu được các đức tính, phẩm chất tốt đó chứ không phải sở hữu cho riêng mình. Đó là thái độ ứng xử tốt đẹp góp phần xây dựng hạnh phúc cho bản thân mình và xã hội.