Sống là chấp nhận thất bại nhưng phải biết kiểm soát nó lại đừng để phát triển thêm
Cuộc đời là một chuỗi những mất mát liên tiếp, bắt đầu từ việc mất đi sự ấm áp và dễ chịu trong bụng mẹ – nơi nuôi dưỡng ta trong suốt chín tháng đầu khi ta chuẩn bị chào đời. Thời ấu thơ ta lại mất đi sự xa hoa khi được lệ thuộc hoàn toàn vào mẹ. Ta mất những món đồ chơi ưa thích. Ta mất những tháng ngày chỉ việc vui đùa và khám phá. Ta mất đi cái đặc quyền được theo đuổi những vui thú của tuổi trẻ mà bỏ qua hết mọi trách nhiệm. Ta bị chia tách khỏi sự bảo bọc của gia đình khi ta rời tổ ấm đó và nhận lấy những trách nhiệm của một người trưởng thành. Trong suốt quãng thời gian làm người trưởng thành, ta mất việc, mất vị trí. Lòng tự trọng của ta có thể bị tổn thương. Ta mất tiền. Ta lỡ mất các cơ hội. Bạn bè, người thân cũng qua đời. Và tôi thậm chí còn chẳng muốn nói đến một số mất mát về thể chất mà ta phải gánh chịu khi tuổi ngày một cao! Ta mất tất cả những thứ đó và còn nhiều hơn thế, cho đến một ngày ta đối diện với sự mất mát cuối cùng – cuộc sống của ta. Không thể phủ nhận cuộc sống của chúng ta đầy những mất mát. Một số mất mát khá lớn, nhưng số khác lại nhỏ. Và những mất mát mà ta phải đối mặt tác động đến sức khỏe tinh thần của ta. Một số người biết cách xử lý khá tốt nhưng nhiều người lại không.
Phẩm chất giúp phân biệt một người thành công với một người không thành công là khả năng xử lý những thất vọng và thất bại. Việc này khá thách thức bởi những thất bại thường có thể đánh bại ta về mặt tinh thần. Tôi biết trong trận chiến đó, tôi phải đấu tranh. Khi chuyện đó xảy ra, suy nghĩ của chúng ta thường như những gì mà Harry Neale – huấn luyện viên đội Vancouver Canucks những năm 1980 đã nói: “Năm ngoái chúng tôi không giành thắng lợi ở sân bạn và năm nay chúng tôi không thể thắng ở sân nhà. Tôi không biết còn chỗ nào để chơi nữa không!”
Phẩm chất giúp phân biệt một người thành công với một người không thành công đó là khả năng xử lý những thất vọng và thất bại.
Việc gặp quá nhiều thất bại sẽ tác động tới trí óc chúng ta. Nó đánh bại ta và ta gặp rắc rối trong việc tìm ra giải pháp cho những thách thức của mình. Khi những thất bại ngày một nhiều hơn, chúng sẽ dần trở thành gánh nặng. Ta hối tiếc những thất bại của ngày hôm qua. Ta sợ hãi những thất bại của ngày mai. Sự hối tiếc làm cạn kiệt nguồn năng lượng của ta. Chúng ta không thể phát triển dựa trên sự hối tiếc. Lo sợ cho tương lai sẽ khiến ta sao nhãng và e dè.
Chúng ta đều muốn thành công nhưng đồng thời ta cũng nên được đào tạo về thất bại. Tác giả J. Wallace Hamilton cũng nhắc đến điều đó trong một bài viết của mình trên cuốn tạp chí Leadership: “Sự gia tăng tỷ lệ tự tử, nghiện rượu và thậm chí một số hình thức suy nhược thần kinh là bằng chứng cho thấy hiện nay rất nhiều người đang được đào tạo để thành công trong khi lẽ ra họ nên được đào tạo về thất bại. Thất bại phổ biến hơn thành công rất nhiều; nghèo đói thường gặp hơn giàu sang; và sự thất vọng thường thấy nhiều hơn là kỳ vọng.”
Ta cần phải chuẩn bị cho những sai lầm, thất bại và mất mát trong cuộc sống bởi mỗi người chúng ta đều phải đối mặt với chúng. Tuy nhiên khi chúng xuất hiện ta phải kiểm soát chứ không để chúng phát triển thêm. Tác giả William A. Ward đã nói: “Con người, cũng như cây cầu, được thiết kế để có thể chịu được tải trọng trong một khoảng thời gian chứ không phải tất cả khối lượng một năm cộng lại liền một lúc”.
"Sưu tầm: Học từ thất bại"