Đừng ôm đồm công việc hãy biết ưu tiên và giải quyết từng việc một
Theo quy luật Parkinson, công việc luôn tự mở rộng để lấp đầy khoảng thời gian mà chúng ta ấn định cho nó. Vì thế, nếu ta có 1 công việc cần phải hoàn thành vào ngày mai thì có khả năng ta sẽ hoàn thành nó đúng thời hạn. Ngược lại, nếu thời gian hoàn thành công việc ấy được kéo dài đến cuối tháng thì rất khả năng đến cuối tháng này ta mói giải quyết dứt điểm nó. Đôi khi, do được cho quá nhiều thời gian để hoàn thành 1 công việc nào đó, chúng ta sẽ chần chừ và trì hoãn quá trình thực hiện nó.
Và rõ ràng, việc chần chừ sẽ khiến chúng ta lãng phí thời gian của mình và tự lặp lại cái vòng luẩn quẩn tiêu cực do chính mình tạo ra. Chẳng có gì lạ khi có nhiều người luôn miệng nói là họ không có thời gian!
Nếu đang phải đối mặt với một khối lượng công việc đồ sộ, điều ta cần làm là đặt ra kế hoạch để vượt qua từng chướng ngại này. Một phương pháp rất hiệu quả là chia một việc lớn ra thành nhiều việc nhỏ dễ giải quyết hơn.
Hãy chắc rằng, mỗi công việc được chia đều ra phải đơn giản, không đòi hỏi quá nhiều thời gian và công sức của bạn. Khi đã hoàn tất 1 công việc nào đó, hãy xóa nó ra khỏi danh sách và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiếp theo. Hãy duy trì tiến độ làm việc này và chẳng bao lâu sau, bạn sẽ hoàn tất được toàn bộ công việc của mình! Vì thế, hãy bắt đầu lập ra danh sách những điều bạn cần hoàn tất ngày hôm nay và cứ thế thực hiện nó.
Có thể bạn cảm thấy điều này thật lạ lùng. Cứ chia nhỏ việc như vậy thì càng chần chừ chứ sao có thể tốt được chứ? Nhưng hãy nhớ không phải sự chần chừ nào cũng tiêu cực. Trên thực tế chúng ta có thể luyện tập cách “chần chừ tích cực”. Hãy nghĩ xem, chúng ta chỉ có thể làm ngần ấy việc trong 1 ngày. Ngay cả khi chúng ta có nhiều công việc cần hoàn thành cùng lúc thì ta cũng chỉ có thể làm từng việc một. Việc chần chừ tích cực cho phép ta trì hoãn 1 số việc không quá gấp rút và tập trung vào những việc quan trọng hơn. Nói cách khác, việc chần chừ tích cực cho phép chúng ta phân chia mức độ ưu tiên trong những việc mình cần làm.
Việc học cách dành ưu tiên đối với những việc cần làm là điều rất quan trọng. Nó giúp ra tổ chức cuộc sống của mình tốt hơn. Vì thế, hãy biết cách đặt ưu tiên bằng việc xác định đâu là việc cần làm trước và bắt tay vào thực hiện công việc đó. Hãy thực hiện từng công việc một và hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Khi bị cả núi việc đè nặng, bạn hãy đề ra một kế hoạch để “vượt qua” cảm giác này. Hãy xác định ưu tiên cho từng nhiệm vụ và giải quyết “từng việc một”.