Ở mỗi thời điểm, con người luôn có những nỗi sợ của riêng mình
Cất tiếng khóc chào đời ta sợ tất cả mọi thứ xung quanh. Với ta, thế giới rộng lớn này chỉ có mẹ là người tin cậy nhất. Bởi vậy, ai bế ta ta cũng khóc cho đến khi được mẹ ôm ấp, dỗ dành, bú ti ta mới vui tươi trở lại.
Lớn lên một chút ta sợ những bước đi đầu đời. Ta chỉ mong muốn được nằm mãi trong vòng tay của mẹ, của ba. Ta sợ những bước đi đầu tiên làm ta vấp ngã. Bởi nó đau lắm, nó khiến ta khóc, nó khiến ta ám ảnh mãi về sau.
Rồi lên ba lên bốn, ta sợ lắm những trận đòn của mẹ. Sợ mọi người bắt ép ăn uống. Sợ phải ăn những cái mà người lớn thấy ngon nhưng với trẻ con lại thật ám ảnh.
Đi học mẫu giáo, sợ cảnh mẹ dắt tay đến trường và bỏ con lại một mình giữa mênh mông bạn bè và cô giáo. Ta khóc thật lớn, ta cố đuổi theo mẹ để được về nhà. Với ta trường học lúc đó chưa phải là niềm vui.
Bắt đầu cắp sách tới trường, ta lại bắt đầu sợ những bài kiểm tra, những bài tập về nhà và cả những hình phạt của thầy cô giáo. Dường như áp lực học hành bắt đầu đè lên đôi vai nhỏ này.
Khi ta bước vào cấp hai, ta bắt đầu sợ cảm giác cô lập. Sợ bị lũ bạn bè bỏ rơi mình và xa lánh mình.
Rồi cấp ba ta sợ khoảnh khắc chia tay bạn bè. Ta đã đủ lớn để hiểu được sự chi ly, hiểu được sự trân quý của tình bạn. Chơi thân là vậy, vui đùa với nhau là vậy, nhưng rồi mỗi đứa một nơi, liệu bao nhiêu lâu ta mới có dịp gặp lại bạn hiền.
Cánh cửa đại học mở ra, ta không sợ phải làm quen với bạn mới mà ta sợ những bài luận, bài kiểm tra vấn đáp hay thuyết trình trên lớp...
Chẳng mấy chốc ra trường, ta lại sợ thất nghiệp, sợ bốn năm bố mẹ lao công khổ tứ nuôi ăn học bỗng trở nên công cốc. Ta sợ chính bản thân ta học xong chẳng tìm được việc để lo cho bản thân.
Khi lớn lên một chút, khi có được những đồng tiền do mình làm ra, có thể chu cấp cho bố mẹ ít nhiều thì nỗi sợ bố mẹ cô đơn, già đi từng ngày lại len lỏi trong suy nghĩ của ta. Thúc giục ta hãy làm những điều có thể khi còn có bố mẹ.
Ta lập gia đình, ta luôn lo lắng và suy nghĩ làm sao để làm cho cuộc sống gia đình hạnh phúc, làm sao cho con cháu bố mẹ đều hoà hợp, làm sao để có điều kiện tốt nhất cho gia đình. Bao nhiêu câu hỏi vì sao cứ đặt ra làm ta luôn suy nghĩ và mệt mỏi.
Khi con cái học hành, ta luôn sợ con mình không bằng bè bằng bạn, sợ không có được những điều kiện tốt nhất để lo con, sợ con ham chơi để học hành sa đoạ...
Khi con ta lớn lên, ta sợ con không tìm cho mình được một nửa hoàn hảo, sợ con bị bắt nạt, sợ gia đình con không hạnh phúc...
Rồi khi già đi, ta sợ mình phải mất đi, sợ những điều giang giở còn chưa kịp làm, sợ bệnh tật làm khổ con cháu...
Lời lết: Người ta vẫn thường trêu đùa với nhau rằng “đời là bể khổ, qua được bể khổ là qua đời”. Nhiều lúc ngẫm cũng thấy đúng. Sống lúc nào cũng phải suy nghĩ, lo toan đủ thứ trên đời. Nhưng có lẽ tạo hoá sinh con người ra là vậy là để cố gắng, vươn lên để hoàn thiện từng ngày. Vì vậy, chúng ta hãy đón nhận sự lo lắng, khổ đau bằng sự tích cực thì cuộc đời cũng sẽ trở nên tươi đẹp hơn nhiều.