Những chiêu giúp chị em FA đối phó câu hỏi “Bao giờ lấy chồng?” trong ngày tết Kỷ Hợi
Ngày nay, chúng ta du nhập nhiều xu hướng tiến bộ bên ngoài, khiến cho tư tưởng, suy nghĩ cũng thoáng hơn và mang hơi hướng phương Tây hơn. Nếu như trước kia khi một cô gái chạm ngưỡng 25 tuổi mà chưa lấy chồng thì chắc chắn sẽ được gán mác “bà cô ế”. Nhưng bây giờ, nhiều cô gái ở độ tuổi 29, 30 vẫn sống bình tĩnh, sống yêu đời và không chút lo lắng.
Tuy nhiên, vào dịp lễ tết, dù bình tĩnh bao nhiêu, can đảm bao nhiêu thì các chị em cũng sẽ bị bối rối, mệt mỏi với những câu hỏi dồn dập: “Bao giờ con giới thiệu người yêu? Bao giờ con lấy chồng? Lây chồng đi không ế đấy...” anh em, chú bác, họ hàng cũng khiến cho các chị em cảm thấy áp lực và khó chịu dẫu bạn biết rằng câu "Bao giờ lấy chồng?" ở một khía cạnh nào đó là thể hiện sự quan tâm của người hỏi với hạnh phúc của con cháu trong nhà.
Vì vậy, để có thể đón một cái tết đầm ấm, vui vẻ và không phải đối mặt “khủng hoảng” tinh thần về chuyện chồng con, chị em cần phải áp dụng triệt cách “đối phó” sau đây:
1. Du lịch xuyên tết
Ai cũng biết tết là ngày để con cháu đi xa trở về, để gia đình cùng đoàn tụ ngồi bên mâm cơm cười nói, chuyện trò vui vẻ ôn lại năm cũ và chuẩn bị cho một năm mới. Thế nhưng, chẳng ai thấu hiểu cho nỗi lòng của những cô gái độ tuổi qua 25 chưa lấy chồng. Cứ mỗi dịp về nhà, họ hàng hỏi thăm công việc, cuộc sống thì ít nhưng hỏi chồng con thì nhiều. Điều đó, khiến cho nhiều chị em cảm thấy khó chịu hơn thay vì về ăn tết để nghỉ ngơi bên gia đình. Vì vậy, nếu có thể, hãy cùng bố mẹ hoặc lũ bạn thưởng cho mình một chuyến du lịch để có thể xả hết mọi mệt mỏi, áp lực của cuộc sống để bắt đầu một năm mới tràn đầy năng lượng.
2. “Nửa đùa, nửa thật”
Đi làm xa nhà mới về gặp hàng xóm hay người quen đã lâu không nói chuyện mà “bị hỏi” như vậy, đôi khi bạn cảm thấy họ thật vô duyên. Nhưng bạn không nhất thiết phải “xù lông, xù cánh” làm mất hình ảnh của mình. Mà thay vào đó, bạn hãy cười đùa vui vẻ và trả lời : “Dạ, bác cứ chuẩn bị phong bì thật dày mừng cháu nhé. Cháu đã chọn được ngày cưới rồi chỉ còn việc chọn năm và chú rể thích hợp nữa thôi”. Chắc hẳn nghe xong họ cũng biết bạn đang độc thân và không thắc mắc nữa.
3. “Đùa nghiêm túc” với họ hàng
Họ hàng chính là đối tượng “đau đầu” nhất vì là người thân nên rất quan tâm đến vấn đề của bạn, nếu không có câu trả lời thích đáng có thể họ sẽ hỏi bằng được mới thôi. Vì vậy, những câu trả lời đùa vui sẽ không thể là câu trả lời thỏa mãn. Vì vậy, thay vì đùa cợt và đánh trống lảng sang chuyện khác thì bạn nên trả lời nghiêm túc để họ hàng có thể hiểu được suy nghĩ và mong muốn của mình. Tuy nhiên, bạn đừng nên biến câu chuyện trở nên căng thẳng mà hãy “đùa nghiêm túc”? Bạn có thể xen vào câu lời trả một vài câu hài hước để làm cho câu chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn. Và hầu hết, trong trường hợp này, sự nghiệp chính là tấm bia đỡ đạn cho bạn.
Bạn có thể nói là “Bởi vì cháu muốn ổn định sự nghiệp. Thất tình chẳng đáng sợ, thất nghiệp mới đáng sợ! Nên làm trước, yêu sau”, đây là gợi ý tuyệt vời cho bạn.
4. Đi chơi với hội FA
Tâm lý của người lớn là con gái đến tuổi phải gả chồng để lâu sợ ế. Nên lúc nào cũng hỏi câu hỏi muôn thuở từ tết này qua tết nọ là “bao giờ con lấy chồng?”. Hỏi cho đến lúc nhận được câu trả lời thỏa đáng mới chịu buông tha. Sở dĩ, họ luôn hỏi như vậy vì họ muốn quan tâm đến hạnh phúc của bạn. Mặt khác, chính họ là người nhà, người thân của mình nên cũng bị gánh nặng tâm lí bởi làng xóm láng giềng “sao con bà này vẫn chưa lấy chồng?” hay “sao cháu ông ấy vẫn chưa có người yêu” khiến họ cũng cảm thấy lo cho con, cho cháu của họ vì sợ bị gắn mác “bà cô ế”. Vì vậy, tết bạn hãy cứ đi chơi xem phim, dạo phố cùng hội FA, chơi với nhiều người càng tốt. Bạn cũng có thể mời họ về nhà chơi tết. Như vậy, bạn sẽ giúp người lớn hiểu ra là hóa ra bạn còn có nhiều người bạn chưa lấy chồng, hóa ra vẫn có đứa nhiều tuổi hơn bạn vẫn chưa lấy chồng. Nghĩ như vậy, người lớn sẽ hạn chế hỏi bạn hơn.
5. Trả lời chung chung cho qua chuyện
Câu hỏi “bao giờ lấy chồng?” như là câu hỏi xuyên suốt của mọi tầng lớp đối với những cô gái đến tuổi lấy chồng. Bởi không chỉ người thân, họ hàng mà ngay cả một đứa em, một người bạn đồng nghiệp hay một người bạn xã giao cũng đều hỏi bạn duy nhất một câu hỏi đó. Vì vậy, nếu đó chỉ là những mối quan hệ xã giao thì bạn hãy trả lời câu hỏi đó mang tính chất xã giao. Ví dụ như : “duyên chưa tới”, “muốn tập trung cho sự nghiệp”, “chưa sẵn sàng lập gia đình”…. Ngoài ra, bạn có thể hỏi ngược lại theo dạng: “lấy chồng có vui không?”, “lấy chồng làm gì”….
Lời kết: Kỳ thực, ai cũng muốn có một cái tết thật đầm ấm bên gia đình của mình trong khoảnh khắc tiễn năm cũ và chào đón năm mới. Vì vậy, đôi khi sự quan tâm thái quá của người thân, họ hàng lại biến thành nỗi áp lực và trở thành cuộc chạy trốn của những bạn gái đến tuổi lấy chồng. Chuyện chồng con cũng là duyên số, vì vậy hãy để cho những cô gái chọn cuộc sống của mình. Với họ, về tết, họ chỉ mong được như bao nhiêu người khác, được cùng cả nhà tâm sự, cười đùa với nhau hơn là bàn luận chuyện chồng con.