8 bước đơn giản giúp bạn đạt được những gì mình mong muốn
Bước 1: Biết mình muốn gì
Khá rõ ràng nhỉ. Nhưng khoan đã, bạn có biết chắc mình đang cố gắng đạt được điều gì không? Thăng chức? Hay tăng lương? Bạn đang nóng lòng muốn được nhận vào một công ty nào đó? Hay bạn muốn thuyết phục người yêu dành nhiều thời gian cho bạn hơn? Hoặc lập gia đình?
Khi bạn càng xác định chính xác những gì mình muốn thì càng nhắm mục tiêu được dễ dàng hơn. Nếu không, có khi bạn còn không biết là mình đã đạt được mục tiêu. Hãy tự hỏi: “Làm thế nào để biết rằng mình đã đạt được mong muốn?” Điểm khác biệt là gì? Sẽ có những thay đổi gì? Cuộc đời bạn sẽ thành ra thế nào? Bước đầu tiên để đạt được những gì bạn muốn là xác định chính xác điều bạn muốn là gì.
Bước 2: Biết mình cần điều đó đến mức nào
Chúng ta muốn rất nhiều thứ. Vì thế, điều quan trọng là biết được điều bạn thực sự muốn. Đôi khi ta phải đánh đổi thứ này để có được thứ khác. Đây là công việc rất khó khăn, trừ khi bạn biết được ưu tiên của mình là gì. Có những người dường như luôn có được mọi điều họ muốn... Nhưng thực ra không phải vậy. Họ thường hy sinh những mục tiêu nhỏ hơn nhằm phục vụ cho mục đích lớn hơn. Họ bỏ qua cơ hội được thăng chức vì thăng chức nghĩa là phải ở lại làm việc muộn hơn, mà với họ thì thời gian dành cho gia đình mới là quan trọng – đó là điều họ thực sự muốn. Họ thông minh ở chỗ nhận ra được mức độ mong muốn đối với mỗi thứ và sắp xếp mức độ ưu tiên cho chúng.
Vì vậy, hãy xác định xem bạn muốn đạt được một mục tiêu đến mức nào, nhất là khi so với tất cả những thứ khác mà bạn đang mong muốn có được.
Bước 3: Biết mình phải làm gì
Bạn định sẽ làm gì để đạt được mục tiêu? Nó không thể tự nhiên xảy ra được. Bạn cần lập một danh sách (có thể dài hoặc ngắn) những điều cần làm để đạt được mục tiêu. Xét cho cùng, nếu bạn không biết chúng là gì thì làm sao bạn có thể đảm bảo rằng chúng sẽ được thực hiện?
Bạn cần xác định được việc làm cụ thể. Trong trường hợp này, bạn cần làm gì để thay đổi suy nghĩ của người đó? Dù là gì đi nữa thì bạn cũng phải tìm ra nó. Nếu không thì làm thế nào bạn có thể thực hiện nó được? Bạn phải đầu tư thì mới có kết quả. Phần lớn công việc có khi chỉ nằm ở chỗ tư duy, nếu không bạn sẽ phải mất hàng tháng trời làm việc vất vả. Dù nhìn từ bên ngoài vào là như thế nào thì những điều tốt đẹp cũng không tự nhiên mà rơi xuống đầu ai. Ít nhất là không thường xuyên. Nếu bạn muốn có được điều gì thì bạn phải tìm ra cách đạt được nó, và đây chính là giai đoạn đầu tiên của quá trình này.
Bước 4: Chia nhỏ mục tiêu lớn
Hãy chia nhỏ mục tiêu thành các giai đoạn và coi mỗi giai đoạn là một mục tiêu. Nếu không, nó sẽ mãi mãi là một ngọn núi cao chót vót khiến bạn nản chí. Trên thực tế, cái mà bạn đạt được có khi lại chẳng thấm vào đâu so với những gì mà đáng lẽ bạn đã có thể có. Nếu bạn muốn một chiếc Lamborghini thì hãy nhắm mục tiêu vào một vài chiếc xe với giá trị, độ ấn tượng, tốc độ hay bất kỳ thứ gì bạn muốn với mức độ tăng dần trước khi có được chiếc xe mà bạn yêu thích nhất.
Bước 5: Ăn mừng sau mỗi bước
Nếu bạn có thể tập trung hướng về phía trước thì rất tốt, nhưng cũng đừng quên nhìn lại xem mình đã tiến xa được đến đâu. Mỗi lần chạm đến một dấu mốc, bạn cần nhận thức được điều đó, tự hào, ăn mừng và tận hưởng thành công của mình. Dù đó chỉ là một bước ngắn nhưng hãy nghĩ xem, đó đã là một bước gần hơn tới mục tiêu của bạn! Đây là điều đáng để ăn mừng.
Hãy nghĩ theo cách này. Nếu bạn đã chia nhỏ mục tiêu thành các bước, rồi lại chia nhỏ các bước đó thành các mục tiêu nhỏ hơn thì hẳn bạn muốn chạm đến các dấu mốc đó. Vì vậy khi bạn làm được tức là bạn đã có được điều mình muốn. Không phải tất cả – không phải mục tiêu cuối cùng – nhưng bạn đã có được tất cả những gì có thể đạt được ở giai đoạn này và đang ở vị thế thuận lợi để chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Vì vậy bạn đã là một người đạt được những gì mình muốn...dù bạn vẫn muốn nhiều hơn thế.
Bước 6: Viết
Đúng vậy. Hãy đi tìm giấy bút, và nếu cần thì bạn có thể viết luôn lên cuốn sách này. Bạn phải viết ra một vài thứ trước khi tiến xa hơn. Hãy viết ra những gì bạn muốn, sau đó là những gì bạn cần để đạt được nó. Đặt ra các dấu mốc để chia nhỏ mục tiêu, cũng như các bước chi tiết trong quá trình tiến tới mục tiêu (những gì bạn cần đạt
được trước).
Bạn đang làm việc này vì một số lý do. Thứ nhất, nếu không cẩn thận thì bạn sẽ quên. Bất kỳ thứ gì đáng có đều cần được suy nghĩ, dự tính, chuẩn bị và đặt nền móng. Nếu không viết ra, có khả năng bạn sẽ quên mất một điều quan trọng nào đó có thể làm chậm tiến độ hoặc thậm chí là cản trở bước đi của bạn. Ngoài ra, mục tiêu cũng sẽ trở nên thật hơn nếu bạn viết chúng ra. Đây là một kế hoạch. Bạn đang thực hiện nó. Đây là tiến độ. Nó không còn là một giấc mơ, một mong muốn mơ hồ nữa mà là kế hoạch hành động rõ ràng, chắc chắn.
Bước 7: Phân tích các trở ngại
Không phải mọi việc đều khó khăn hay dễ dàng như nhau. Để dành tiền hàng tuần vào đầu năm là một chuyện, nhưng tiết kiệm trước Tết hay các kỳ nghỉ lại là chuyện khác hẳn. Bạn có thể dễ dàng thuyết phục chị mình tổ chức buổi gặp gia đình, nhưng thuyết phục bố mẹ bạn cùng xuất hiện sau khi ly dị lại là một việc hoàn toàn khác. Đạt chỉ tiêu công việc có vẻ là nhiệm vụ dễ dàng, nhưng thuyết trình suôn sẻ lại là một thử thách lớn hơn nhiều.
Nếu vượt qua được các khó khăn này thì bạn đã gần về đến đích rồi. Vì vậy hãy cố gắng suy nghĩ về cách vượt qua các trở ngại này nhiều hơn so với số còn lại. Hãy tìm ra xem vấn đề ở đâu, cần làm gì để giải quyết nó và làm thế nào để khống chế nó.
Bước 8: Đặt thời hạn
Vậy là chúng ta sẽ bắt tay vào việc. Nhưng việc gì? Khi nào? Bạn cần phải đặt ra một thời hạn cho tất cả những công việc mà bạn đã liệt kê là cần làm, nếu không thì chúng sẽ không bao giờ được thực hiện. Nghe có vẻ giống quản lý dự án đúng không? Đạt mục tiêu chính là một dự án và bạn cần phải lên kế hoạch cho dự án này.
Thời hạn chính là thứ bạn cần. Bạn cần quyết định xem khi nào sẽ thực hiện các công việc – hoặc ít nhất là thời điểm muộn nhất mà chúng cần được hoàn thành. Bạn nên nhớ, tất cả mọi việc đều cần có thời hạn, nếu không thì ta thực hiện chúng để làm gì? Nếu bạn hoàn thành chúng trước thời hạn thì rất tốt, nhưng nếu để nó trôi qua thì bạn sẽ không bao giờ hoàn thành được công việc. Khi đó bạn chỉ có thể tự trách bản thân mình mà thôi.