Bí quyết giúp sĩ tử "xử đẹp" câu hỏi khó nhằn thường gặp trong các kì thi
Bí quyết 1: Bỏ qua nếu chưa nghĩ ra
Như tôi đã đề cập từ trước, một sinh viên khôn ngoan sẽ không bao giờ mất quá nhiều thời gian cho những câu hỏi nâng cao. Nếu bạn gặp phải một câu hỏi khó nhằn, hãy bao quát nó càng nhanh càng tốt. Ngoài việc xác định nội dung câu hỏi, yêu cầu đề bài, phạm vi kiến thức áp dụng, bạn còn cần ước lượng nhanh độ khó của câu hỏi. Trong trường hợp không thể nghĩ ra ý tưởng gì hay ho ngay lúc đó, đừng chần chừ, hãy chuyển qua những câu khác dễ ăn điểm hơn. Bạn có thể quay lại câu khó này vào lúc sau, khi đã nắm chắc tất cả những phần điểm còn lại trong tay.
Bí quyết 2: Cố gắng gợi nhớ
Rất có thể bạn đã từng gặp, từng làm một bài tương tự như vậy ở đâu đó (trong cuốn sách tham khảo, đề thi thử các năm trước, bài ở lớp học thêm, bài viết trên một diễn đàn chuyên môn nào đó,...) Đừng loại trừ khả năng này, bởi suy cho cùng, đề thi cũng bắt nguồn từ những nguồn thông tin quen thuộc như vậy cả thôi. Hãy cố gắng gợi nhớ lại về dạng bài, những thông số, kiến thức liên quan. Hãy tìm và tóm lấy bất kể một manh mối nào trong trí nhớ bạn ngay lúc đó. Sức mạnh của trí nhớ đôi khi khiến chúng ta phải ngạc nhiên đấy!
Bí quyết 3: Thử tất cả các phương án có thể
Tại sao bạn lại chịu rút lui chỉ sau một phép thử sai? Cơ hội giành điểm thật ngắn ngủi, và chỉ dành cho những “chiến binh” kiên trì nhất mà thôi.
Bạn nản lòng khi ghép số vào mà không ra đáp án ư? Hãy tạm bỏ phần nháp đó lại. Bây giờ, bạn chỉ cần vạch ra tất cả các hướng giải có thể. Sau đó, hãy thử tất cả các phương án, và dùng phương pháp loại trừ để tìm ra hướng đi đúng cho bài làm của mình. Khi đã liệt kê được các phương án, cũng là lúc bạn bình tĩnh trở lại, nhìn nhận vấn đề một cách bao quát và rộng rãi hơn. Giờ chỉ cần một chút kiên trì, bạn rất có thể sẽ giải được đề bài hóc búa ấy. Hãy cố gắng đến phút chót, bạn thân mến.
Bí quyết 4: Tìm gợi ý trong câu hỏi hoặc trong các phần khác
Một gợi ý không phải là tối ưu, nhưng cũng đáng thử vào những lúc nước sôi lửa bỏng như vậy đấy chứ. Hãy thử liên kết các câu hỏi trước xem chúng có gợi ra bất kỳ manh mối nào không (công thức có liên quan, mảng kiến thức có liên hệ, ...). Một lý do nữa khiến bạn thêm rối trí là vì bạn quá để tâm đến những điều phức tạp, cao xa, mà quên bẵng mất những kỹ năng làm bài căn bản. Nếu đang loay hoay với đống công thức, khái niệm chằng chịt, bạn hãy thử gác hết chúng lại. Hãy cầm bút lên, đọc lại đề bài, gạch chân những từ khóa quan trọng trong đề, tìm dữ kiện có sẵn, các từ khóa chủ chốt. Đa số các trường hợp sau khi áp dụng bí quyết này đều tìm được hướng giải bài phù hợp. Vậy tại sao bạn lại không thử nhỉ? Bạn chẳng mất gì khi cố gắng hết mình, phải không?
Bí quyết 5: Người cứu hộ ở ngay bên cạnh bạn. Chính là giám thị trông thi
Tất nhiên, bạn không thể hỏi giám thị về đáp án bài thi hay những công thức trong sách được. Trong lúc quan sát một đề bài, có bao giờ bạn nghĩ rằng nó sai hay không? Có thể chứ, mọi thứ đều có xác suất sai sót, và rất có thể lỗi sai đó đang ở ngay trước mắt bạn. Hãy hỏi giám thị, nhờ họ báo lại với hội đồng coi thi xem câu đó có vấn đề gì trong đề thi không. Mọi khả năng đều là có thể. Đừng bao giờ quên điều này.
Cuối cùng, không một câu hỏi đánh dấu sao hay bất kỳ một lời cảnh báo nào khiến bạn phải e sợ, hay đừng bao giờ cho rằng những câu cao siêu đó chỉ dành cho những tay sinh viên xuất chúng. Hãy lần lượt áp dụng năm bí quyết nhỏ này, cũng như tham khảo các mục khác trong cuốn sách này để vượt qua chúng.