Những việc người cha nên làm để phụ vợ chăm sóc con sau sinh
Đối với việc nhà và việc chăm sóc trẻ, người cha cần tham gia với mức độ như thế nào phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của vợ và tính cách riêng của trẻ. Nhìn chung sản phụ sinh con trước độ tuổi 25 thì tốc độ hồi phục thể lực nhanh hơn hẳn sản phụ sinh con ở tuổi 30. Sản phụ có thói quen chơi thể thao trước đó cũng có khả năng chịu đựng việc nặng nhọc tốt hơn hẳn sản phụ không biết chơi thể thao. Với sản phụ chỉ cần ngủ một giấc là có thể hồi phục sức khỏe thì dù đêm có bị trẻ đánh thức 3 lần thì cũng không ảnh hưởng gì đến công việc nhà ngày hôm sau. Nhưng với sản phụ hay khổ sở vì chứng mất ngủ thì nếu nửa đêm bị đánh thức, ngày hôm sau thể trạng rất mệt mỏi, mà còn vừa phải làm việc nhà vừa chăm sóc con thì lúc đó sẽ bị quá sức.
Trẻ con cũng vậy, có trẻ ngủ một mạch từ tối đến sáng, cũng có trẻ dậy không biết bao nhiêu lần, thay không biết bao nhiêu tã bỉm, nên cùng là công việc chăm sóc trẻ nhưng không thể so sánh được độ vất vả của các bà mẹ. Mỗi người là một cá thể với cá tính riêng nên mỗi cặp vợ chồng với đứa con của mình cũng có khác biệt với gia đình khác. Và người có thể làm những công việc phù hợp với một gia đình không ai khác chỉ có thể là người chồng người cha của gia đình đó. (Người vợ, dù thấy sự trợ giúp của chồng vụng về đi chăng nữa thì vẫn phải vui mừng đón nhận. Bởi vì chỉ cần nghĩ rằng mình không có khả năng chăm sóc trẻ, người cha sau này sẽ không nỗ lực hợp tác trong việc nuôi dạy, chăm sóc con nữa).
Nếu đã có một bé lớn, thì người cha phải thắt chặt tình cảm cha con với bé, để khi em bé mới sinh về nhà thì bé lớn giảm bớt phần nào cú sốc về tâm lý. Ở thời đại gia đình hạt nhân (chỉ có cha mẹ và con), thì việc tắm cho bé dần trở thành công việc của người cha. Bởi người mẹ vẫn chưa thể vào bồn tắm sau 1 tháng (xem mục 39 Tắm cho trẻ).
Tùy từng người mẹ, có những người sau khi sinh 1 - 2 tháng vẫn chưa ổn định về tinh thần. Sữa mẹ ít, con không chịu bú, buộc phải cho con ăn sữa ngoài, tất cả những cái đó sẽ khiến người mẹ căng thẳng, mệt mỏi. Khi đó sự an ủi động viên của người bố sẽ là cách trị liệu tốt nhất.
Đặc biệt trong trường hợp trẻ sinh ra có dị tật, thì thái độ của người bố lúc này là cách duy nhất giải quyết được tình hình hay làm nó tôi tệ thêm. Người bố khi đó cần tỏ rõ mình là người có thái độ cứng rắn và động viên người mẹ cố gắng vượt qua cú sốc để tìm ra phương án tốt nhất. Còn trong trường hợp đó mà người bố cũng tỏ thái độ nghi ngờ hay đồ lỗi cho người mẹ thì quả là rất tệ.