Phương pháp để xây dựng lòng tin đối với mọi người
Trên thực tế, trong tuyệt đại đa số các trường hợp, chúng ta nhìn và lùi bước trước mục tiêu lại không phải là mục tiêu thật sự “không thể nào thực hiện được”, mà là tự cho rằng “không thể thực hiện được”. Hai điểm này có sự khác nhau về bản chất. Làm rõ vấn đề này rồi, sẽ tăng thêm lòng tự tin của chúng ta rất nhiều. Nếu bạn còn cảm thấy mơ hồ, xin đừng ngại làm theo mấy bước dưới đây.
Coi công việc trước mắt là mục tiêu duy nhất
Đa số người cho dù đã xác định mục tiêu rồi, do chưa thật sự muốn đạt được, nên thiếu quyết tâm giành chiến thắng. Có một nhà triết học từng nói:“Người bình thường hay nhận định mình không làm nổi, việc gì cũng không có nhiều hy vọng”. Ngược lại, do không gửi gắm nhiều hy vọng nên trong lòng thường tồn tại suy nghĩ “mình không làm nổi”, vì vậy không có niềm tin đối với bất cứ việc gì.
Những người theo đuổi sự thành đạt nhanh chóng trong công việc và cố gắng trước sau như một, nỗ lực dũng cảm tiến bước về phía mục tiêu thường chỉ chiếm số ít. Đa số người ta thường chỉ đầu tư một nửa tâm sức, chứ không dốc hết sức vào một cách tích cực.
Bất kể bạn làm việc ở công ty nào, bất kể bạn làm công việc gì, nếu bạn muốn có sự tự tin thì cần phải có suy nghĩ như thế này:“Đây mới chính là công việc duy nhất của mình”. Niềm tin toàn tâm toàn ý này vô cùng quan trọng. Tâm lý bỏ dở giữ chừng tuyệt đối không thể có được lòng tự tin, cũng tuyệt đối không thể được cho là một nhân viên tốt trong công ty.
Để mình hăng say, hứng thú trong công việc
“Con người, chỉ có chuyên chú vào trong công việc của mình mới nảy sinh hy vọng”. Hy vọng và tự tin vốn có cùng nguồn gốc. Chỉ cần để cho mình đắm chìm vào trong công việc thì tự đáy lòng bạn sẽ nảy sinh sự tự tin “chỉ cần thực sự làm thì mình cũng có thể làm được”.
Nếu bạn không tin tưởng vào kết luận này thì đừng ngại thử dùng phương pháp thực hiện một ngày xem sao. Chỉ một ngày mà thôi, thoạt nghe có vẻ như chẳng có nghĩa gì cả, thế nhưng đó có thể là bước ngoặt của cuộc đời đầy tự tin của bạn đấy.
Làm tốt công tác chuẩn bị
Một trong những cội nguồn quan trọng của sự tự tin là làm tốt công tác chuẩn bị từ trước đó. Vì sự chuẩn bị cẩn thận có thể nâng cao được hệ số thành công.
Chẳng hạn, khi bạn chào hàng với người khác hoặc giới thiệu ý tưởng của mình với người khác, biện pháp tốt nhất để đảm bảo có sự tự tin chính là trước đó chuẩn bị tốt để dù gặp đối phương trong trường hợp nào cũng có thể cung cấp cho đối phương thứ thực sự hữu ích đối với anh ta và cung cấp phương pháp mà đối phương có thể tiếp nhận được. Hơn nữa, để không làm cho đối phương cảm thấy lãng phí thời gian, dùng chủ đề gì, phương thức gì để diễn đạt nói ra trọng điểm, cũng cần phải có sự chuẩn bị từ trước.
Thế nhưng, bạn không thể đợi đến khi chuẩn bị xong tất cả mọi thứ rồi mới hành động. Vì trong một sự việc thường tồn tại nhiều yếu tố mơ hồ và không xác định. Những phần không thể tính toán được kia chỉ có thể tùy cơ ứng biến trong quá trình hành động mà thôi.
Sử dụng linh hoạt kinh nghiệm làm bài học của bản thân
Một nhà triết học kiêm nhà giáo dục nổi tiếng từng nói:“Những bài học có được qua những kinh nghiệm trong quá khứ là nhân tố quan trọng để xây dựng sự tự tin”. Điều đáng buồn là đa số mọi người hầu như không hiểu được điều này. Họ cứ để cho cùng một thất bại như thế lặp đi lặp lại, ngã hết lần này đến lần khác ở cùng một chỗ, thậm chí coi nó như một trình tự tất yếu.
Nếu chúng ta có thể tự kiểm điểm lại những việc đã xảy ra trong ngày, coi nó như là một sự gợi mở, bài học, thì sẽ cực kỳ có ích đối với chúng ta. Nếu bạn có đủ kiên nhẫn, đừng ngại đem viết ra tất cả những kinh nghiệm bài học đó bởi lợi ích mà nó đem lại cho bạn khó thể nào đánh giá hết được.
Nếu như bạn có thể thực hiện công việc nói trên một cách liên tục, thì chắc chắn nó sẽ làm giảm bớt đi những sai lầm và thất bại trong cuộc sống hàng ngày, đồng thời lòng tự tin cũng sẽ tăng lên nhiều, tất nhiên giá trị cá nhân của bạn cũng sẽ nhanh chóng được nâng cao.
Dùng đầu óc để suy xét vấn đề
Chúng ta đang sống trong một xã hội năng động, thay đổi phức tạp. Một số người vô cùng đau khổ khi lâm vào cảnh cùng quẫn bởi những vấn đề phức tạp. Nhưng một người nếu muốn xây dựng được lòng tự tin thì không thể không suy nghĩ thấu đáo những việc phức tạp khó khăn, vì không dùng đầu óc thì sẽ không thể tiến bộ được.
Tính phức tạp của vấn đề và tính đa dạng của thông tin làm cho nhiều người cảm thấy sợ. Họ thà làm mọi việc theo cảm giác chứ không muốn vận dụng đầu óc. Điều này làm cho khả năng sai lầm tăng lên rất nhiều. Càng đối mặt với vấn đề phức tạp, càng tích cực tìm tòi suy xét, nhằm có được kết luận khách quan, như thế thì khả năng thành công sẽ tăng lên rất nhiều. Nói cho cùng, không ngừng thành công mới là nền tảng vững chắc của tự tin.
Vứt bỏ suy nghĩ trốn tránh
Những người thiếu tự tin sẽ chỉ suốt ngày làm bạn với sự lo sợ. Càng bị bao trùm bởi đám mây đen khó khăn, thì lại càng không dám tự khẳng định mình. Nếu chúng ta vứt bỏ sự sợ hãi sang một bên, thì bóng đen đe dọa sẽ ngày càng lớn hơn; bạn càng muốn trốn tránh thì nó lại càng theo đuổi bạn. Một khi sự việc mà bạn lo lắng, sợ sệt xuất hiện, bạn đừng ngại có sự chuẩn bị vẹn toàn “Cùng lắm là thế này thế kia...”, kiểu tâm lý “cùng lắm là” này chính là phương pháp tốt nhất để bạn khắc phục nỗi lo sợ. Đa số những việc khiến cho bạn lo lắng không yên, nói cho cùng là chẳng có gì cả. Nếu chúng ta phân tích thấu đáo hơn bộ mặt thật của chúng thì bạn sẽ phát hiện thấy “âm hồn” mà bạn sợ đó hóa ra chỉ là một cái chậu cảnh khô héo mà thôi. Bạn sẽ cảm thấy nực cười vì mình đã lo sợ.
Vì vậy, bất kể bạn nhìn nhận nó thế nào, chỉ cần mạnh dạn đối mặt với nó, không những có thể từ đó xóa tan đi bóng đen lo sợ, mà còn có thể làm nảy sinh sự tự tin mãnh liệt.
Tuân thủ sự ràng buộc mà mình đã định ra
Lão Tử nói:“Kẻ tự thắng mình là kẻ mạnh”. Biết ràng buộc hành động của mình cũng là một biểu hiện của chiến thắng bản thân. Điều này có thể mang lại cho con người ta sự tự tin lâu dài. Cái gọi là “ràng buộc” không chỉ là ràng buộc mình trong đầu óc, điều quan trọng là hành động. Bạn có thể làm thử xem, viết ra giấy một số mục tiêu cần thực hiện. Chẳng hạn:“Từ hôm nay trở đi, trong vòng mười ngày, mỗi buổi sáng mình phải dậy sớm chạy bộ”, hoặc “Trong vòng mười ngày kể từ hôm nay, mình phải đi làm sớm hơn bình thường 30 phút”, vân vân, viết nó ra giấy và điền ngày tháng ký tên vào.
Nội dung ràng buộc không quan trọng mà điều quan trọng là sau khi viết nó ra giấy rồi thì dù bất kể gặp bất kỳ trở ngại gì cũng đều cần phải tuân thủ.
Sau khi bạn có sự ràng buộc đối với bản thân ở một mức độ nào đó rồi, và tuân thủ sự ràng buộc này, bạn sẽ phát hiện thấy vì thực hiện được nên bạn tự tín nhiệm mình. Kiểu tự tín nhiệm mình này là bằng chứng thật sự của việc bạn bắt đầu đối mặt với bản thân một cách thản nhiên. Lúc này, sự tự tin cũng theo đó mà tới. Cùng với ngày tháng trôi đi, nó sẽ ăn sâu bén rễ và trở thành dũng khí và sức mạnh của bạn.
Đa số người khi thực hiện sự tự ràng buộc mình thì có tới quá nửa là có thái độ mềm yếu thiếu quyết đoán, do dự, cho dù có thực hiện rồi, một khi gặp khó khăn là lập tức dừng lại. Thế nhưng, nếu dùng phương pháp viết ra giấy ký tên này thì không dễ gì bỏ dở giữa chừng. Đây chính là cách tốt nhất để chúng ta đem mặt yếu chuyển biến thành mặt mạnh.