Lý giải tại sao con gái lại có ria mép "xấu xí"
Thực ra không thể gọi đó là “ria mép” được, đó chẳng qua chỉ là lông tơ mọc sậm màu hơn mà thôi.
Việc mọc lông ở các bộ phận trên cơ thể chủ yếu là do tác dụng của hormone androgen. Trong cơ thể con gái, không chỉ có hormone estrogen giúp kích thích sự phát triển các đặc trưng của con gái mà còn có một lượng nhỏ androgen. Vì vậy, dưới tác dụng của các hormone này, trên mặt và một số vị trí khác trên cơ thể con gái cũng có thể mọc lông. Theo số liệu điều tra, phụ nữ từ 15 – 44 tuổi có hơn 30% người có "ria mép", 9% rõ cả lông tơ trên mặt, 6% có lớp lông ở hai bên xương quai hàm tương đối sậm màu.
Đối với con gái trong tuổi dậy thì, bởi vì mất cân bằng nội tiết trong cơ thể, lượng hormone androgen tương đối cao gây kích thích các nang lông, khiến cho phần lông tơ trên cánh tay và chân trông có vẻ sậm màu, thậm chí có thể mọc cả ria mép. Vì vậy mà có một số bạn gái không dám mặc váy ngắn và quần đùi vào mùa hè, còn nghĩ đủ mọi cách để “tiêu diệt” đám lông tơ đáng ghét kia, thậm chí sợ hãi không biết bản thân mình có xấu đi không, có mắc bệnh gì không, từ đó khiến cho tâm trạng trở nên nặng nề. Thông thường, qua một thời gian, hiện tượng nhiều lông do mất cân bằng nội tiết trong cơ thể ở tuổi dậy thì này sẽ biến mất cùng với sự cân bằng các hormone trong cơ thể. Đây là hiện tượng hết sức bình thường.
Tất nhiên, cũng có người phụ nữ thật sự "mọc râu", cơ thể có các hiện tượng bất thường như lông ở các bộ phận cơ thể không ngừng trở nên rậm rạp, đồng thời tóc mai rụng dần, yết hầu nổi rõ, giọng nói trở nên trầm hơn, âm hạch phì đại, kinh nguyệt không đều, hoặc bế kinh, thì đó là những hiện tượng bệnh lí có khả năng liên quan đến sự bất thường của buồng trứng và tuyến yên, cần được thăm khám và điều trị.
Vì vậy, sau khi hiểu được những điều này, những bạn gái gặp vấn đề này đừng ủ rũ, không vui vì những hiện tượng “tạm thời” này nữa nhé.