Làm thế nào để trình bày lý lẽ có sức thuyết phục nhất
Dùng việc để trình bày lý lẽ
Xây dựng lý lẽ trên cơ sở sự thực, để cho sự thực lên tiếng, tránh nói lớn, nói lời thừa. Khi có thực tế làm chứng thì dù ăn nói có kém một chút cũng không sao, nếu không, dù ăn nói có giỏi đến mấy cũng vô ích chỉ lừa được nhất thời, chứ không thể lừa được cả đời.
Dùng cái nhỏ để thấy cái lớn
Dùng sự việc nhỏ để ngầm ám chỉ lý lẽ lớn, dùng sự việc thường gặp để nói những lý lẽ xa xôi, dùng sự việc đơn giản dễ hiểu để khám phá lý lẽ sâu xa. Tóm lại, cần làm cho đối phương nghe hiểu được, nếu không chẳng phải là nói hay sao?
Đặt câu hỏi dẫn dụ
Chia lý lẽ lớn thành một số câu hỏi, nêu ra bằng câu hỏi. Một là có thể thu hút sự hứng thú, làm đối phương phải suy nghĩ; hai là dùng để tạo ra một bầu không khí bình đẳng hài hòa, khiến cho người ta cảm thấy không phải là giảng giải những lý lẽ to tát, mà là đang cùng nhau thảo luận vấn đề.
Nói lý vu hồi
Nếu nhất thời nói chính diện không đem lại hiệu quả, thì đừng ngại “tấn công từ bên sườn”, dẫn dắt từng bước, đi sâu từng bậc, cuối cùng đạt đến mục tiêu. Đôi khi có thể mượn một chủ đề nào đó, trình bày lý lẽ “ý của ông già say không phải ở rượu”.
Cảm hóa bằng tình cảm
Cần biết liên kết tình cảm, chú ý nhìn lại mình xem có điểm nào khiến cho đối phương ác cảm hay không và kịp thời khắc phục uốn nắn. Khi đối phương có tâm trạng không thích thú, thì trước tiên cần trao đổi tình cảm, không nên chỉ chú ý đến trình bày lý lẽ.
Khéo dùng những câu danh ngôn
Một câu danh ngôn bao hàm triết lý có thể khiến cho người ta phải suy nghĩ sâu, khiến cho người ta gợi mở. Kết hợp những lý lẽ lớn với hàm ý của các danh nhân có thể làm cho những lý lẽ lớn trở nên giàu sức hấp dẫn, dễ hiểu khiến người ta nhớ mãi.
Chú ý bối cảnh
Môi trường nói chuyện có ảnh hưởng rất lớn đối với người nghe. Có một số lời chỉ có thể nghe được khi nói chuyện riêng với nhau, khi có đông người thì lại không nghe nổi. Vì vậy, cần chọn lựa môi trường phù hợp, trao đổi tâm sự với đối phương một cách chân thành, thẳng thắn và bình đẳng.
Ngôn ngữ cuốn hút
Xuất phát từ “khẩu vị” của đối tượng nói chuyện, phát huy đầy đủ sức cuốn hút của lời nói, trình bày lý lẽ một cách sinh động, thú vị. Ngôn ngữ hay vỏ bề ngoài của lý lẽ lớn giống như nam châm vậy, nó có thể hấp dẫn người nghe đi sâu tìm hiểu “cốt lõi bên trong”.
Điểm đúng chỗ
Sợ người khác nghe không hiểu, cứ nói đi nói lại một vấn đề, kết quả thu được hoàn toàn ngược lại. Cái gì cần nói thì nhất định “điểm đúng chỗ”, đồng thời còn cần dành đủ thời gian suy xét để đối phương lĩnh hội.
Lời nói, cử chỉ thống nhất
Nếu bạn cho rằng việc gì đó có lý, thì hãy làm theo cái mà bạn thừa nhận đó. Nói một đằng làm một nẻo cũng tựa như là đang “rao bán hàng giả hàng nhái” vậy, khó có thể khiến cho người khác tin phục được.