9 điều sĩ tử cần đặc biệt lưu tâm để hoàn thành bài thi tốt nhất
Điều thứ 1: Phác sơ đồ nội dung cần ôn tập
Mỗi phần giải quyết xong, hãy gạch chéo – điều này không chỉ giúp bạn theo dõi việc học ôn của mình, mà còn giống như những dấu mốc thắng lợi khiến bạn cảm thấy hào hứng hơn.
Nếu các môn thi diễn ra gần sát nhau, hãy đan xen lịch ôn tập. Sẽ là sai lầm nếu dành cả ngày cho một môn học khó, bởi nó sẽ chỉ khiến bạn mệt mỏi và mụ mị mà thôi. Trái lại, việc đan xen một môn học có tính chất hoàn toàn khác sẽ khiến trí não của bạn được “tập thể dục” và trở nên minh mẫn hơn. Đặc biệt, những môn học mà bạn yêu thích sẽ kích thích sự hưng phấn trong não, giúp bạn ở trạng thái sẵn sàng hơn để tiếp thu những kiến thức khó nhằn khác.
Điều thứ 2: Bám sát kiến thức cơ bản
Đối với các môn học tự nhiên như Toán, kiến thức cơ bản được coi là xương sống của đề thi. Thử để ý mà xem, gần như tất cả các đề thi môn Toán bạn đã trải qua đều dành phần lớn tổng điểm cho những bài tập dạng đại trà có trong sách giáo khoa. Hãy tập trung vào những công thức được đóng khung trong sách, các mục chú ý được in nghiêng, hay các dạng bài tập được nhấn mạnh nhiều lần trong giáo trình.
Việc bạn cố gắng bám sát vào những bài giảng trên lớp, bạn sẽ không cần phải dựa dẫm vào các cuốn sách tham khảo, uể oải cả ngày trên thư viện trường nữa.
Điều thứ 3: Đừng chú tâm vào những kiến thức ngoài lề
Phần kiến thức ngoài lề bao gồm các bài đọc thêm, những bài tập quá khó, hay những mục đọc để biết. Bạn có thể bắt gặp chúng xen giữa các bài học chính khóa, hay ở phía cuối giáo trình,... Những bài đọc thêm này góp phần mở rộng hiểu biết của chúng ta về chủ đề đang học, cung cấp thêm thông tin hữu ích. Và thường thì giáo viên không bắt buộc chúng ta phải ghi nhớ hết những phần kiến thức phụ này, có chăng chỉ là khuyến khích đọc thêm ngoài giờ học mà thôi.
Do đó, thay vì theo đuổi những kế hoạch mù quáng và ngu ngốc, hãy tập trung ghi điểm một cách khôn ngoan và có hệ thống. Công thức của đa số các sinh viên giỏi thực ra rất đơn giản: 90% nắm chắc cơ bản – 10% còn lại củng cố và nâng cao kiến thức. Những mảng kiến thức căn bản bắt buộc luôn là đích đến đầu tiên của các tay sinh viên khôn ngoan.
Điều thứ 4: Hiểu rõ dạng đề thi và cách làm bài
Hãy đảm bảo bạn hiểu rõ quy chế và cách thi trước khi bước vào phòng thi. Đa số sách báo đều nói rằng bạn nên tìm hiểu chúng vài ngày trước khi bắt đầu kỳ thi. Nhưng nếu có thể, tôi thành thật khuyên bạn nên tìm hiểu về đề thi càng sớm càng tốt, bởi có một số trường hợp các thông tin về kỳ thi, bao gồm cả dạng đề, cách làm bài đã được thông báo chính thức trên trang web của trường, trong email của lớp, hay được phổ biến tới từng lớp từ khá sớm. Càng biết rõ các thông tin đó sớm, bạn càng có nhiều thời gian xem xét hướng ôn tập sao cho phù hợp và hiệu quả.
Hãy chú ý lắng nghe lời dặn của giáo viên hoặc lớp trưởng để cập nhật chính xác tin tức về dạng đề cho kỳ thi sắp tới. Trong suốt quá trình học, hay những buổi cuối, giáo viên rất có thể đưa ra những mẹo làm bài hữu ích. Vì thế, hãy tập trung lắng nghe không chỉ bài giảng, mà còn cả những lời khuyên bổ ích để có định hướng học ôn sao cho phù hợp.
Điều thứ 5: Nắm rõ quy chế thi
Một sinh viên nghiêm túc và có ý thức sẽ lướt lại từng mục quy chế thi, dù trước đó đã nghe quá nhiều lần những quy định chán ngắt ấy rồi. Đừng quá tự tin rằng bạn sẽ không sơ ý để quên đồ dùng vi phạm nào đó trong người vào một ngày căng thẳng và rối bời như ngày thi.
Cho dù là lần thứ n đi thi, thì hãy để mươi phút nghe hoặc đọc lại quy chế, bạn sẽ không còn phải hối tiếc, ân hận vì đã trót vi phạm những điều chẳng đáng. Hơn nữa, trong quãng thời gian nhàn rỗi này, bạn có thể tranh thủ thư giãn đầu óc, chuẩn bị tinh thần tốt nhất trước khi bước vào thời khắc quyết định của kỳ học.
Điều thứ 6: Kiểm tra lại đồ dùng cẩn thận
Độ quan trọng của đồ dùng cho kỳ thi như các loại bút, thước kẻ, tẩy... chỉ đứng ngay sau kiến thức của bạn. Vì thế, ngoài việc tổng kết kiến thức, bạn cũng cần lưu tâm tới những dụng cụ cần có cho kỳ thi của mình vài ngày hay một tuần trước ngày thi chính thức. Hãy dành thời gian kiểm kê lại danh mục những dụng cụ được mang vào phòng thi trên trang web chính thức của trường, công văn cho kỳ thi, hay thông báo của lớp trưởng trên email.
Điều thứ 7: Tự tin và lạc quan
Ngay cả nếu bạn bỗng dưng có cảm giác u ám với kỳ thi, hay cảm thấy mình thua kém bạn bè, thì cũng không có gì phải hoảng hốt cả. Hầu hết sinh viên đều từng trải qua cảm giác đó. Tuy nhiên, bạn phải thoát khỏi trạng thái tiêu cực nếu muốn bước vào phòng thi với tinh thần sảng khoái, tự tin nhất có thể.
Tâm lý lạc quan, tự tin giúp não của bạn tiếp nhận được nhiều năng lượng tích cực hơn. Bạn cứ để ý mà xem, những người bắt đầu mỗi ngày bằng một nụ cười hay quyết tâm hoàn thành công việc đều có vẻ rất năng động, trẻ khỏe, mặc dù họ chẳng dùng bất kỳ một loại thần dược đắt tiền nào cả. Sự lạc quan bắt nguồn từ niềm tin vào bản thân bạn, chứ không phải nhờ một sức mạnh hay dựa vào người nào khác.
Điều thứ 8: Đọc thật kĩ đề
Một vận động viên giỏi giang đến mấy, nếu vội vàng cũng dễ bị chấn thương, vấp ngã. Khác với người kém cỏi hay không có kỹ thuật thi đấu, cái thua do sự hấp tấp thường mang đến tiếc nuối nhiều hơn. Không quan trọng ai là người nộp bài làm đầu tiên trong phòng thi, kết quả cuối cùng mới là cái đích chúng ta cần hướng đến. Thế nên, khi nhận được đề thi, hãy bình tĩnh đọc kỹ từng câu trước khi đặt bút viết.
Hãy dùng bút chì gạch dọc, chia giữa yêu cầu và nội dung hỏi. Phần yêu cầu này cực kỳ quan trọng. Ngay cả nếu có kiến thức vững, nhưng thay vì đánh dấu đáp án đúng, bạn lại viết câu trả lời của mình thì coi như câu đó không được tính điểm.
Điều thứ 9: Lên dàn ý và làm bài
Dàn ý giống như bản đồ chỉ dẫn đường đi, giúp bạn không còn lo đâm phải ngõ cụt ý tưởng hay lạc vào mê cung của những kiến thức lộn xộn trong đầu. Rất nhiều người biện hộ rằng vì đề thi quá dài và khó, nên họ chẳng còn thời gian lập dàn ý nữa. Nhưng nếu bạn muốn có lối trình bày khoa học, thông minh và đạt kết quả cao trong kỳ thi, lập dàn ý chính là một trong những kỹ năng căn bản cần phải thành thạo đến mức thành phản xạ.
Sau khi đã lên được một khung nội dung hợp lý, điều tiếp theo bạn nên làm là chọn cách trình bày sáng sủa, bao gồm cách đánh số thứ tự, cách viết hoa, lùi đầu dòng, gạch chân đề mục... Để tránh trường hợp bị chấm sót ý, tốt nhất bạn nên đưa câu chủ đề làm câu mở đoạn, viết thật rõ ý, đơn giản, giúp người chấm thi chỉ cần nhìn lướt qua là xác định được bạn có làm đủ ý hay không.